Các nghiên cứu về giáo dục tại Pháp cho thấy phần lớn học sinh xuất thân từ gia đình có kinh tế eo hẹp thường chọn các ngành thuộc lĩnh vực xã hội vì chi phí học những ngành này không cao và thời gian học ngắn nên họ có thể gia nhập sớm vào thị trường lao động; ngược lại, các học sinh thuộc gia đình khá giả thường theo đuổi các ngành học “đắt đỏ” như bác sĩ, luật sư, kiến trúc... vì những ngành này đòi hỏi chi phí và thời gian học rất cao.
Tất nhiên sự đầu tư càng nhiều thì thành quả thu lại cũng sẽ nhiều, nhưng khi khả năng kinh tế gia đình hạn hẹp thì phải có những lựa chọn hợp lý để không phải vất vả mưu sinh và lơ là việc học như thường thấy. Tức chọn nghề còn phải xem khả năng kinh tế gia đình có thỏa mãn được các yêu cầu về chi phí của việc học hay không.
Chọn một nghề nào đó còn phải tính đến “biên độ ứng dụng” trong thực tế dài hạn của nó nữa. Hiện nay các trường đại học, do áp lực cạnh tranh trong thu hút người học nên đã đưa ra rất nhiều ngành mới thời thượng nhưng biên độ ứng dụng lại quá hẹp. Vì thế khi học những ngành này, người học rất khó tìm thấy cơ hội trên thị trường lao động sau này.
Chẳng hạn thí sinh chọn học ngành chứng khoán, nếu sau này không tìm được công việc trong một công ty chứng khoán thì sẽ làm được gì? Liệu một người tốt nghiệp một ngành hẹp như thế có thể tìm được những vị trí, công việc khác tại các công ty khác hay không? Câu trả lời là rất khó.
Tóm lại khi chọn ngành nghề cần phải tính đến nhiều yếu tố khác trong cái nhìn dài hạn chứ không chỉ có sở thích hay tính “nóng” của ngành học. Muốn vậy cần phải tranh thủ ý kiến của nhiều nguồn, tìm kiếm thêm thông tin trên mạng cũng như sách báo, đừng nên lựa chọn theo trào lưu vì trào lưu thường có tuổi thọ rất ngắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét