Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời bằng văn bản câu hỏi của bà Nguyễn Thị Thu Cúc , Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: “ Quyết định cắt tiền chấm bài đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu có phần “khiêm nhường” của giáo viên, đặc biệt là các thầy cô dạy các môn khoa học xã hội, là những người ít có điều kiện để dạy thêm cải thiện thu nhập. Đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp cụ thể để có thể nâng cao thu nhập của giáo viên, đặc biệt cho các giáo viên các bộ môn xã hội, bên cạnh dự thảo tăng phụ cấp thâm niên chung cho tất cả giáo viên ?”
Bỏ quy đổi chấm bài kiểm tra thành tiết dạy
Hiện nay, chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông được thực hiện theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, nhiệm vụ của giáo viên thực hiện theo quy định tại Điều lệ Trường Trung học cơ sở, Trường Trung học phổ thông và Trường phổ thông có nhiều cấp học.
Thông tư số 49/TT ngày 29/11/1979 của Bộ Giáo dục có hướng dẫn việc quy đổi số lượng bài kiểm tra của nhà giáo phải chấm ra tương đương với một số tiết dạy, nhưng Điều 11 của Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông không còn quy định này.
Trong thực tế, những giáo viên dạy môn học có ít số tiết/tuần (gọi tắt là giáo viên nhóm A), thường phải dạy nhiều lớp, nên khi dạy đủ định mức số tiết/tuần (17 tiết với THPT, 19 tiết với THCS, 23 tiết với Tiểu học) thì thường phải chấm nhiều bài kiểm tra, nhưng cũng do dạy nhiều lớp nên họ ít phải soạn bài. Đối với các giáo viên dạy môn học có số tiết/tuần nhiều (gọi tắt là giáo viên nhóm B), ví dụ các môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ do dạy ít lớp nên khi dạy đủ định mức số tiết/tuần thì số bài kiểm tra phải chấm ít. Ngược lại, họ phải soạn giáo án nhiều hơn các giáo viên nhóm A. Việc dạy học đòi hỏi phải thực hiện đủ các công việc: soạn bài, lên lớp, chấm bài, kiểm tra. Do đó không nên quy đổi việc chấm bài thành giờ lên lớp, cũng như không quy đổi việc soạn bài thành giờ lên lớp. Trong thực tế, những năm gần đây do nhận thấy bất hợp lý của Thông tư 49, nhiều địa phương đã không thực hiện quy đổi chấm bài của giáo viên ra giờ dạy.
Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT không còn quy định quy đổi chấm bài của giáo viên, còn vì các lý do sau:
- Chế độ làm việc quy định cho mọi đối tượng giáo viên trong một cấp học là như nhau; Lương và phụ cấp cho giáo viên không phân biệt theo môn học mà chỉ xếp theo ngạch, bậc.
- Để có một giờ dạy tốt theo yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy hiện nay, người giáo viên phải đầu tư nhiều hơn thời gian soạn bài, nếu tiếp tục thực hiện như quy định của Thông tư 49, thì chúng ta đã coi nhẹ việc này, không động viên được những giáo viên nhóm B.
Việc không quy định quy đổi chấm bài của giáo viên ra tiết dạy như hiện nay có ảnh hưởng đến thu nhập của một số giáo viên phổ thông nhưng đã tạo ra sự công bằng đối với tất cả các giáo viên khi cùng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong nhà trường. Đó là sự trân trọng đúng mức các hoạt động chuyên môn của mọi đối tượng giáo viên trong nhà trường.
Tăng thêm thu nhập cho giáo viên
Do tính chất đặc thù của công việc, ngoài lương, giáo viên được hưởng phụ cấp đứng lớp, phụ cấp cho giáo viên ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với những nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập dạy vượt quá giờ quy định thì sẽ được thanh toán chế độ trả lương dạy thêm giờ.
Để tạo thêm cơ hội nâng cao thu nhập cho giáo viên, các cơ sở giáo dục được thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động; Chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân theo hiệu quả công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động của đơn vị; Chi phúc lợi, trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Phụ cấp thâm niên sẽ giúp cải thiện thu nhập cho giáo viên.
Tố Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét