Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

7 điều phụ huynh cần biết khi dạy con

Không có bậc phụ huynh nào hoàn hảo, kể cả những bà mẹ và ông bố có học thức, cẩn trọng và sáng suốt nhất cũng mắc sai lầm khi nuôi dạy con cái.
Và nếu lỡ có "mắc" sai lầm với con, nếu biết cách, bạn sẽ không xấu đi trong mắt bọn trẻ, mà chúng còn tôn trọng bạn vì học được từ những sai lầm đó.
1. Tìm sự bình tĩnh... trước khi đánh mất nó
Khi đứa con trai Max của anh Shifrin không chịu nghe lời bố, nhất định chăm chú vào chiếc máy trò chơi điện tử cầm tay, Shifrin đã không giữ được bình tĩnh và quát lên: “Nếu con không nghe lời, con sẽ không có thứ trò chơi đó nữa!”. Nói xong, anh giật lấy chiếc máy và ném ra ngoài cửa sổ của căn phòng tầng 2.

Shifrin nhớ lại rằng, nó rơi xuống một bụi rậm và phải mất 20 phút anh mới tìm thấy. Sau lần đó, anh hiểu sẽ chẳng có lợi gì nếu ném vật dụng trước mặt con, ngay cả khi chúng xứng đáng bị xử lý như thế. Lúc đó Max trông rất khó chịu và không nghe những gì bố nói, thay vào đó, nó khóc than, nghiến răng và chỉ tập trung vào điều mà bố vừa làm. Shifrin cho rằng, thật không tốt khi để bọn trẻ thấy chúng ta giải quyết vấn đề theo cách đó và nghĩ ta đã hết cách giải quyết.
2. Học cách giải thích điều tế nhị
Sớm muộn gì thì điều đó cũng xảy ra. Bạn đã chuẩn bị gì khi con bạn hỏi những vấn đề như: “Em bé sinh ra từ đâu?”. Khi Sarah, một bé gái 8 tuổi hỏi mẹ trong bữa ăn tối, cô Daniel Hoover, tiến sĩ về sức khoẻ tâm lý cho trẻ em ở Houston (Mỹ) đã nói khá chi tiết và nghiêm túc về sinh sản và tình dục. Nhưng ngay sau đó, Sarah có vẻ rất khó chịu khi nghe mẹ nói, nó bắt đầu khóc và kêu lên: “Điều đó không đúng!” rồi chạy ra khỏi phòng.
Đối với những vấn đề nhạy cảm, bạn không nên đi vào quá chi tiết. Cố gắng chuẩn bị câu trả lời của mình cho phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Và nhớ rằng, cho dù bạn đã chuẩn bị thế nào, bạn vẫn có thể nói ra những điều không nên. Vì đây là chủ đề rất tế nhị, nên bạn có thể nói lời xin lỗi trước khi bắt đầu nếu cảm thấy điều gì đó... “không ổn”.
3. Để ý tới tính cách của con
“Tôi đã muốn dành cho đứa con gái 10 tuổi nhút nhát của mình một sự ngạc nhiên trong ngày sinh nhật khi bất ngờ để nó đối mặt với một căn phòng đầy người” – Sally Beisser, giáo sư của trường ĐH Drake (Mỹ), nói. Nhưng đứa con gái sống nội tâm của cô đã coi đây là một bất ngờ ngoài mong muốn mà đáng ra nó đã rất vui vẻ. Sau kinh nghiệm này, Beisser cho rằng bạn cần phải xem xét tính cách của con mình chứ không phải của bạn. Đáng lẽ nó sẽ rất vui nếu tự mình lên kế hoạch cho bữa tiệc. Đây là một sai lầm mà Beisser không bao giờ lặp lại.
4. Không nên quá dễ dãi
Đặt ra giới hạn là điều quan trọng đối với bất kỳ bậc phụ huynh nào, tuy nhiên, thực hiện lại là điều không dễ dàng. Nhưng đừng lo, bọn trẻ sẽ nhắc bạn. Gary Hill, một chuyên gia về các vấn đề gia đình ở Chicago nhớ lại: “Sau khi nói với con gái rằng chỉ mua những thứ cần thiết tại cửa hàng, tôi vẫn cứ để nó mua thêm hết thứ này đến thứ khác.
Khi ra xe, con gái tôi nói: “Con cứ nghĩ là bố sẽ không đồng ý mua những thứ đó”. Lúc đó, tôi chợt hiểu rằng mình đã quá dễ dãi. Sau đó, đến cửa hàng nào, con gái tôi cũng đòi mua. Cuối cùng, tôi phải bảo nó ngồi xuống và xin lỗi, nói với nó rằng từ nay tôi sẽ kiên quyết hơn. Con gái tôi hiểu ra và không có phản ứng gì”. Hill cho rằng nếu đã lập ra một giới hạn nào cho con, bạn phải làm theo, nếu không bạn sẽ phải làm những điều mà bạn đang muốn tránh.
5. Tập trung vào sự an toàn chứ không phải doạ dẫm
Thấm nhuần những quy định của mẹ là điều quan trọng, nhưng đôi khi, các bậc phụ huynh lại tình cờ reo rắc sự sợ hãi cho con mình. Geri Pearon, trợ lý làm tại trung tâm y tế của trường ĐH Connecticut kể rằng cô rất thất vọng vì đứa con trai David 4 tuổi của mình không thể ra xe đúng giờ. Trước khi kiểm soát được mình cô đã nói: “Con có muốn ở trong nhà một mình với những con ngáo ộp trong gầm giường không?”.
Tuy nhiên, Pearson đã nhận ra đây là điều không nên làm vì cô đã ám chỉ điều mà David cho rằng có thật. Cô đã phải tìm mọi cách để cậu con trai của mình hiểu rằng sẽ không có điều gì xảy ra với nó. Sau việc này, Pearson nhận ra rằng để con mình cảm thấy an toàn và bước ra khỏi nhà là điều quan trọng hơn nhiều.
6. Nên hiểu rõ ngọn ngành
Bảo vệ con mình khi ai đó nói rằng con bạn đã làm điều sai trái là điều khá tự nhiên. Nhưng giống như bạn, con bạn cũng có những sai lầm, cho nên bạn cần biết toàn bộ câu chuyện trước khi quyết định sẽ phản ứng thế nào.
Roni Cohen – Sandler, một nhà tâm lý ở bang Connecticut nhớ lại “Tôi đã cho mình là đúng khi phản ứng đối với y tá trường học khi cô ấy nói đứa con trai 10 tuổi của tôi đã gửi cho con gái cô ta một bức thư điện tử không phù hợp. Lúc đầu, con trai tôi đã chối việc này và tôi đã tin nó. Nhưng cuối cùng, tôi hiểu ra sự thật hoàn toàn ngược lại. Roni rút ra kết luận rằng không nên chắc chắn rằng con bạn sẽ không làm điều gì sai. Đôi khi, chúng hành động khác với tính cách của mình và bạn không nên tự động bênh vực chúng.
7. Thận trong với những điều nói ra
Trẻ em nghe tất cả những gì bạn nói và những lần bạn “lỡ miệng” để lại ấn tượng khá mạnh đối với con bạn. Khi đứa con trai 10 tuổi, Steven cạo trọc đầu cho trận bóng đá, bà Ariel Anderson, một giáo sư của trường ĐH Michigan đã phải bật khóc và kêu lên “Sao con làm thế? Trông con xấu quá!!”. Cậu bé cảm thấy rất tồi tệ và không hiểu mẹ còn yêu cậu nữa không. Bà Ariel, sau 10 năm trôi qua, khi nhớ lại chuyện này thì vẫn cảm thấy buồn.
Còn Linda Hodge, chủ tịch tổ chức National PTA đã không nhận ra những lời nói không hay của mình đối với cậu con trai 7 tuổi cho đến khi cậu bé gọi điện cho bà ngoại và nói rằng cậu cần nói chuyện với mẹ về việc sử dụng từ ngữ. Cô coi đây là một phương thuốc hiệu nghiệm mau chóng cho sai lầm của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét